Đây là câu chuyện lôi cuốn và đầy nhiệm màu về một trong những lãnh tụ tôn giáo xuất chúng nhất trong lịch sử nhân loại. Đó cũng là thiên sử xuất sắc về quá trình hình thành, phát triển, hưng khởi của loại hình tôn giáo đặc sắc, gần gũi nhất với Phật giáo tại Ấn Độ: Kỳ Na giáo (hay đạo Jaina).
Mahavira có nghĩa là Đại Anh Hùng, một nhân vật có thực trong lịch sử (sống vào khoảng thế kỷ VI TCN) nhưng được người Ấn Độ đồng nhất với một đạo sư có năng lực tâm linh phi thường, người sáng lập nên Kỳ Na giáo. Ông vốn tên Vardhamana, sinh ra trong một gia đình hoàng tộc thuộc vương quốc Kosala, miền Bắc Ấn Độ. Lớn lên trong nhung lụa nhưng không màng tới vật chất mà chỉ tập trung rèn luyện sức mạnh tinh thần. Ông sớm xuất gia, chấp nhận con đường tu khổ hạnh để kiếm tìm chân lý nơi thực tại. Đến năm 42 tuổi, ông chứng đắc chân lý, tìm ra con đường đạt tới sự Giải thoát. Điều đặc biệt là cùng thời với Đức Mahavira, hiền nhân Sakya Muni (Thích Ca Mâu Ni) cũng đạt được thành tựu trong tu hành và trở thành người sáng lập Phật giáo. Kỳ Na giáo do Đức Mahavira khởi xướng có nhiều điểm tương đồng với Phật giáo, dù cho các thực hành tu tập có phần nghiêm khắc hơn, đặc biệt trong việc sử dụng các sản phẩm thủ công như đồ vải dệt. Cốt lõi của Kỳ Na giáo tập trung trong khái niệm “Bất tổn sinh” (ahimsa), tức là “Không làm tổn hại tới bất cứ sinh mệnh nào”. Khái niệm này chia sẻ điểm chung với khái niệm “Từ Bi” trong Phật giáo. Kỳ Na giáo cũng khuyến khích tín đồ thực hiện “ngũ giới” (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không dùng đồ uống có cồn và không dối trá), kiên trì niềm tin, thực hành bố thí, sẵn lòng tha thứ, buông bỏ dục vọng.
Sau 30 năm truyền giảng giáo lý Kỳ Na giáo, vào năm 72 tuổi, Đức Mahavira qua đời. Lúc đó tín đồ đã phát triển mạnh khắp miền Bắc Ấn. Lời giảng của ông tiếp tục truyền đi thông điệp bất bạo lực, hòa bình đến nhiều thế hệ sau. Hai trong số những nhân vật vĩ đại của thế giới chịu ảnh hưởng từ Kỳ Na giáo là M. K. Gandhi và M. Luther King, Jr.