fbpx

Mỗi cuốn sách ra đời đều có một câu chuyện

Đánh giá bài viết

Trong chương trình Workshop online diễn ra vào ngày 11/9 với chủ đề “Biên tập sách – công việc thầm lặng”, các bạn độc giả của Quangvanbooks đã có cơ hội trò chuyện với diễn giả là chị Ngô Thu Ngần, biên tập viên (BTV) – trưởng phòng biên tập sách Văn học nước ngoài NXB Phụ nữ Việt Nam. Trong chương trình chị đã có những chia sẻ tâm huyết về nghề Biên tập sách và dành rất nhiều lời khuyên cho các bạn trẻ đang mong muốn trở thành BTV. Quangvanbooks xin trích đăng lại những câu trả lời của chị dưới đây:

Xin chào chị Ngần, thưa chị, người ta thường nói với nhau rằng: “BTV sách chính là kiểm soát viên chính tả” nhưng điều đó có thực sự đúng và đầy đủ hay không? Chị có thể chia sẻ “BTV sách là ai” không ạ?

Xin chào các bạn, nói về công việc BTV sách thì BTV ngày xưa thường được ví như “bà đỡ” chăm lo cho quá trình thai nghén, sinh nở của tác giả, dịch giả hạ sinh một đứa con tinh thần là một cuốn sách được ra mắt bạn đọc một cách đẹp đẽ, suôn sẻ… Ngày nay, BTV thường được ví là “xương sống” của một đơn vị xuất bản. Trong thực tế, BTV NXB Phụ nữ Việt Nam thời điểm hiện tại phải tham gia rất nhiều công đoạn, liên quan và kết nối với nhiều bộ phận trong quy trình xuất bản một cuốn sách chứ không chỉ đơn thuần là đút chân gầm bàn sửa câu chữ hay lỗi chính tả trên bản thảo. Cụ thể như sau:

Đầu tiên là khai thác bản thảo, lên đề cương bản thảo – duyệt kế hoạch bản thảo (với Ban giám đốc – Ban Biên tập – Các phòng/bộ phận liên quan trong nội bộ NXB) – trực tiếp hoặc gián tiếp thương lượng/giao dịch bản quyền với các tác giả/dịch giả.

Thứ hai là khai thác tài trợ. Tức là BTV sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp khai thác tài trợ dịch thuật, xuất bản, truyền thông… từ các Quỹ văn hóa, dịch thuật, các tổ chức văn hóa, các đại sứ quán, các cá nhân và tổ chức khác…

Thứ ba là biên tập bản thảo. Ở đây bao gồm biên tập câu chữ, bố cục bản thảo; biên tập hình ảnh (nếu sách có hình)…

Cuối cùng là làm việc cùng các bộ phận khác như: bộ phận kinh doanh – phát hành đưa sách ra thị trường, tiếp cận các đối tượng bạn đọc tiềm năng. Hay trao đổi với bộ phận truyền thông – marketing để tổ chức event ra mắt sách, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông… Gặp gỡ, bàn bạn với Bộ phận kế toán tài vụ: theo dõi việc trả nhuận bút, nhuận dịch cho tác giả, dịch giả… Và quan trọng nhất là khi làm việc với họa sĩ vẽ bìa minh họa, BTV sẽ đưa ra thông tin xuất hiện trên bìa, tem, quote…; gợi ý ý tưởng vẽ bìa cho họa sĩ tham khảo, tham gia duyệt market bìa, cũng như bàn với bộ phận chế bản, dàn trang, sửa morat…

BTV sách được gọi là “nghề thầm lặng”, chị có thể lí giải lý do tại sao lại có tên gọi này không ạ?

Nhận định “nghề biên tập vốn là nghề thầm lặng” đúng nhưng chưa đủ. Đúng là công việc của một BTV hầu hết chỉ là công việc hậu trường chuẩn bị cho một cuốn sách đến tay độc giả. Ngày tôi mới đi làm, một BTV viên lão luyện trong nghề nói vui đây là nghề ‘rát tai, chai mông, công ít, tội nhiều”, bởi vinh quang của một cuốn sách nếu có thì thuộc về tác giả, dịch giả chứ chẳng mấy ai nhắc tới người biên tập, nhưng nếu cuốn sách có vấn đề gì đó thì BTV sẽ là người phải chịu trách nhiệm trực tiếp.

Tuy nhiên so với công việc của một BTV truyền thống xưa kia thì một BTV sách ngày nay xuất hiện, liên quan tới nhiều khâu, nhiều quy trình của việc xuất bản một cuốn sách. Thậm chí những năm gần đây BTV đã “bước ra ánh sáng” để truyền thông, quảng bá cho cuốn sách của mình biên tập tới đông đảo bạn đọc bằng nhiều kênh truyền thông, nhất là trên không gian mạng xã hội nở rộ như hiện nay.

Và cũng như tất cả các ngành nghề khác nói chung, nghề biên tập cũng có những vất vả, thách thức nhưng cũng có những niềm vui, sự thú vị đặc thù. Đó là cái hạnh phúc của một trong những người đầu tiên được đọc bản thảo, là niềm vui của một trong những người đầu tiên được cầm cuốn sách còn thơm mùi mực in, keo dán, là sự xúc động khi đọc những comment, review của độc giả…

Là một BTV sách có bề dày kinh nghiệm, chị có thể chia sẻ những thói quen của mình để luôn làm việc biên tập được hiệu quả nhất không ạ? Và chị có cảm thấy mình có “bệnh nghề nghiệp” khi làm BTV sách không ạ?

Thói quen của tôi đó là đọc và đọc không ngừng! Đọc từ nhiều kênh, nhiều nguồn để có thêm thông tin, kiến thức. Phải luôn giữ tư duy mở và óc tò mò, luôn sử dụng kỹ năng ‘double-check’ – kiểm tra chéo khi có băn khoăn, nghi vấn…

Tôi bị đánh giá là “mắc bệnh nghề nghiệp trầm trọng” khi soi đâu cũng ra lỗi, hay “cãi nhau với báo/đài” và nhìn đâu cũng muốn sửa. Ví dụ tôi rất khó chịu khi nhận được một công văn hay văn bản gì đó mà có lỗi chính tả, lỗi câu từ… Nghiêm trọng hơn, bệnh nghề nghiệp của tôi đang di truyền sang cả con tôi, khi bé bắt đầu biết đọc là bé đã bắt đầu ‘soi lỗi’, thắc mắc… *cười*.

Thưa chị, công việc nào cũng có những khó nhất định, chị có thể chia sẻ về những thách thức từ trải nghiệm thực tế khi trở thành 1 BTV không ạ?

Tôi cho rằng BTV sẽ gặp phải 2 loại thách thức chính.

Đầu tiên là thách thức mang tính truyền thống, gồm 2 ý chính là: BTV phải dung hoà giữa ‘cái Tôi” của tác giả và sự tiếp nhận của độc giả/xã hội…BTV phải đối mặt với vấn đề kiểm duyệt Nhà nước…

Thứ hai là thách thức mang tính “thời đại”. Có thể kể đến vấn nạn sách lậu được xem như thách thức cho cả ngành xuất bản. Hay sự cạnh tranh trong môi trường xuất bản ở Việt Nam hiện nay rất lớn nhưng chưa có hệ thống: cạnh tranh về khai thác bản thảo/đấu giá bản quyền; cạnh tranh về tốc độ ra sách. Điều này đòi hỏi BTV phải năng động, nhanh nhạy hơn với thị hiếu độc giả, thị trường xuất bản… Thách thức không kém phần quan trọng hiện nay đó chính là vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập, cách mạng công nghiệp 4.0 khiến nhịp sống nhanh và gấp gáp hơn, chủ nghĩa kinh nghiệm rất nhanh bị lỗi thời. BTV chúng tôi bắt buộc phải đa năng hơn, cập nhật xu thế mới thường xuyên và liên tục để không bị lạc hậu… Cuối cùng, ngành xuất bản đang gặp nhiều khó khăn, thách thức nên mặt bằng thu nhập chung không cao, khó thu hút được nguồn nhân lực tốt, nhất là BTV ngoại văn – thành thạo một ngoại ngữ. Bên cạnh đó, việc tìm các dịch giả vừa có ngoại ngữ tốt, vốn tiếng Việt tốt lại đam mê dịch sách cũng không gặp khó khăn vì mức nhuận bút, nhuận dịch không đủ hấp dẫn vì số lượng bản in nhìn chung còn hạn chế.

 

Theo chị, một BTV cần phải có những phẩm chất gì?

Theo tôi, một BTV trước hết phải Yêu thích việc đọc sách. Tiếp theo là có kiến thức sâu, rộng – Óc tò mò – Khả năng tự học hỏi mỗi ngày. BTV cũng cần có độ nhạy cảm ngôn ngữ, có khả năng dùng được ít nhất một ngoại ngữ và phải luôn cẩn thận, tỉ mỉ.

Theo em biết, BTV là những người phải trao đổi với tác giả, dịch giả rất nhiều, tư vấn và đưa ra những góp ý về tác phẩm, chị … có thể chia sẻ cách làm việc hiệu quả với họ nhất và làm sao để giữ mối quan hệ tốt với tác giả/dịch giả được cũng như hiểu được tâm lý của họ không ạ?

Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy 2 yếu tố quan trọng nhất để BTV xây dựng và giữ được mối quan hệ tốt với các tác giả/dịch giả là sự chân thành và thái độ trọng thị. Trân trọng tác phẩm, dịch phẩm, trân trọng công sức của tác giả dịch giả và chân thành khi trao đổi thì ngay cả khi bản thảo cần sửa chữa, bổ sung/thậm chí là từ chối… sẽ không khiến họ mất lòng.

Với tôi, mỗi cuốn sách ra đời đều có một câu chuyện!

=> Để xem lại chương trình Quý độc giả có thể truy cập vào link: https://www.facebook.com/QuangVanLeaks/videos/4510647888981189

Chúc các bạn có những trải nghiệm quý giá khi lắng nghe chương trình của chúng tôi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *