fbpx

Phẩm Tam Quốc: Lịch sử từ góc nhìn của Dịch Trung Thiên

Đánh giá bài viết

Tại buổi toạ đàm “Phẩm Tam Quốc: Lịch sử từ góc nhìn của Dịch Trung Thiên”, ngày 11/06/2022 diễn ra offline và công chiếu online, thính giả yêu thích chủ đề lịch sử thời Tam Quốc đã có buổi trò chuyện với hai diễn giả: THS. Nguyễn Đỗ Thuyên – Tác giả phụ trách chuyên mục “Giải mã Tam Quốc” của báo Tiền Phong và THS. Lê Huy Hoàng – Nghiên cứu sinh ngành Ngôn ngữ học, Đại học Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc). Trong buổi toạ đàm, hai diễn giả đã chia sẻ nhiều thông tin giá trị về giai đoạn lịch sử quan trọng này của Trung Hoa. Bên cạnh đó, thính giả có nhiều thời gian để đàm đạo những anh hùng Tam Quốc, cách nghiên cứu và khai thác thông tin chính sử với hai diễn giả. Quảng Văn xin được trích đăng lại những chia sẻ của hai diễn giả:

Xin chào hai anh, điều đầu tiên tôi muốn lắng nghe ý kiến từ hai vị diễn giả là, ấn tượng của hai anh về cách Dịch Trung Thiên tạo nên một “Phẩm Tam Quốc” khác với các “Phẩm Tam Quốc” từng xuất hiện trước và sau đó.

Hai diễn giả trả lời

THS Nguyễn Đỗ Thuyên trả lời:

Xin chào các Bạn, Thuyên nghĩ rằng nếu là một người yêu thích Tam Quốc thì có lẽ là ngoài Tam Quốc diễn nghĩa chúng ta cũng không ít lần đi tìm hiểu, xem là những tác phẩm khác bàn luận về Tam Quốc sẽ có diện mạo như thế nào. Thuyên cũng vậy, Thuyên đã chọn và đọc rất nhiều cuốn sách về Tam Quốc, nhưng tất cả những cuốn sách này đều không đáp ứng được kỳ vọng của Thuyên. Một số tác phẩm chẳng hạn như là Tam Quốc Bình Giảng hay là Nói Chuyện Tam Quốc, nó hầu hết sử dụng Tam Quốc Diễn Nghĩa làm căn cứ để phân tích. Điều này khiến cho việc bình luận mang diện mạo văn học, chứ không phải diện mạo lịch sử. Phẩm Tam Quốc sử dụng Tam Quốc Chí, Tư trị thông giám, những sử triết về thời kỳ đó thì những điều này mang đến cho tác phẩm diện mạo lịch sử. Yếu tố thứ hai gây ấn tượng với Thuyên là Dịch Trung Thiên rất khiêm tốn. Khiêm tốn ở chỗ là ông ấy định vị cuốn sách của mình là một tác phẩm bình luận chứ không phải là tác phẩm nghiên cứu, cũng có nghĩa là hàm lượng ý kiến cá nhân rất cao. Tuy nhiên, định vị cá nhân mình thấp nhưng mà ông ấy rất nghiêm túc trong phương pháp. Chẳng hạn như là những vấn đề gây tranh cãi bấy lâu nay thì Dịch Trung Thiên đã làm hai việc. Thứ nhất, ông ấy trích dẫn những sử liệu có liên quan, chứ không có bỏ sót những sử liệu nào. Thứ hai là Dịch Trung Thiên đã rà soát, tổng hợp đầy đủ những nghiên cứu của những sử gia đi trước để cho thấy một quan điểm thì có những trường phái nào. Mặc dù, những ý kiến của Dịch Trung Thiên trong Phẩm Tam Quốc là ý kiến cá nhân, nhưng nó vẫn đi theo chiều hướng là tiệm cận dần với sự thật khách quan. Với Thuyên, đây là tinh thần nghiên cứu rất là nghiêm túc.

THS Lê Huy Hoàng trả lời:

Lần đầu tiên, tôi tiếp xúc với Phẩm Tam Quốc không phải là cuốn sách, mà là qua truyền hình. Ấn tượng đầu tiên của tôi là hoá ra lịch sử hiện đại lại hài hước như thế này. Tất nhiên, chúng ta cần phải phân biệt rõ nói theo cách hài hước và nói theo cách dễ tiếp nhận. Những điều này nó không đảm bảo nói một cách chính xác. Nhiều khi người ta đề cao quá việc giảng lịch sử phải hay, nhưng người giảng lịch sử hay ở đây là giáo sư Dịch Trung Thiên, ông có rất nhiều năm nghiên cứu lịch sử.

Như đã chia sẻ, hai điều ấn tượng nhất của tôi sau khi đọc xong cuốn Phẩm Tam Quốc. Thứ nhất là giọng điệu trình bày lịch sử. Điều thứ hai, bản chất là phương pháp nghiên cứu lịch sử. Thực sự cá nhân tôi, sau khi nghe bài giảng và đọc cuốn sách Phẩm Tam Quốc cảm thấy tác phẩm này mở ra tư duy mới cho tôi về việc tiếp cận lịch sử. Sau Phẩm Tam Quốc thì tôi đã tiếp cận lịch sử Việt Nam với một tâm thế khá là khác. Mình sẵn sàng tiếp nhận với nhiều nguồn tư liệu hơn, có sự đối chiếu và so sánh để rút ra kết luận gần nhất với lịch sử.

Phẩm Tam Quốc là một tác phẩm gợi mở rất lớn với người dân Trung Quốc, bắt đầu từ những người nghiên cứu học thuật. Điều này dẫn tới phong trào toàn dân đọc sử khởi nguồn từ Phẩm Tam Quốc và một số bài giảng khác, nhưng Phẩm Tam Quốc được đón nhận nồng nhiệt nhất. Quan trọng nhất của sự gợi mở này có hai hướng là phương pháp làm việc và giọng điệu trình bày.

Là người tham gia rất tích cực và cũng có nhiều bài viết hay, cuốn hút “giải mã” thời đại Tam Quốc trên Fb cá nhân cũng như báo chí, diễn đàn, anh Thuyên có thể giải thích tại sao anh lại khẳng định Dịch Trung Thiên đã thành công trong việc giải quyết một số nghi án lớn thời Tam Quốc đồng thời soi sáng những chi tiết hư cấu nổi bật trong Tam Quốc diễn nghĩa không ạ?

Anh Thuyên trả lời:

Tôi nghĩ là bất cứ ai yêu thích Tam Quốc, thì đọc Tam Quốc diễn nghĩa sẽ có tâm lí rất là ấm ức và không được thoả mãn trước một số sự việc như là không ai hiểu Quang Vũ tại sao lại ngẫu hứng đi đánh Tương Dương – Phàn Thành, thế rồi bị Đông Ngô đâm sau lưng, cuối cùng đất mất người vong. Hoặc là không ai hiểu Gia Cát Lượng – một người có vẻ rất là lí trí, rất tỉnh táo nhưng khi vừa gặp Nguỵ Diên đã tuyên chém đầu. Lý do không hợp lí là phía sau gáy có xương phản cốt, định đoạt mạng sống con người chỉ bằng một chi tiết như thế. Sau khi tôi đọc Phẩm Tam Quốc xong mới nhận ra rằng đây chỉ là chi tiết hư cấu, tác giả không chỉ ra đây là chi tiết hư cấu mà cũng chỉ ra thêm rằng những động cơ nào khiến tác giả đưa ra những chi tiết hư cấu như thế.

Tôi xin chia sẻ một ví dụ cũng là một nghi án kinh điển trong giới Tam Quốc đó là vấn đề mượn Kinh châu. La Quán Trung đã hư cấu vấn đề mượn Kinh châu: sau chiến dịch Xích Bích, Đông Ngô tham gia chính và chiến dịch Xích Bích đối đầu trực tiếp với Tào Tháo. Còn quân Thục thực gia chỉ truy đuổi Tào Tháo khi mà Tào Tháo thua chạy. Nhưng điều này không phải là sự thật, quân Lưu Bị cũng có tham gia vào cuộc đối đầu với Tào Tháo trong trận chiến Xích Bích và trận đấu thuyền.

Tại sao lại bàn về công lao đóng góp?

Bởi vì, với mức độ đóng góp và mức độ hư cấu như La Quán Trung nói nhưng kết cục lại là Lưu Bị có được ba quận Kinh châu, trong khi Đông Ngô không có đến một quận. Khổng Minh dùng chiêu lừa cướp thẳng tiến, trong khi đó Trương Phi và Quang Vũ cũng lấy đi vài quận. Điều này tạo ra tâm lí rất là ấm ức từ phía Đông Ngô và nó góp phần lí giải tại sao Đông Ngô quyết định phản bội đồng minh, đâm sau lưng Quang Vũ nhưng thực tế lịch sử không phải không phải như vậy. Dịch Trung Thiên cũng đã làm rõ rằng Tương Dương thuộc về Tào Tháo, năm quận phía Nam thuộc về Đông Ngô.

Dịch Trung Thiên có nói ý này trong cuốn sách của mình, đại ý: Sức cảm hóa của tác phẩm văn chương nghệ thuật lớn hơn tác phẩm sử học. Tác phẩm văn chương nghệ thuật hư cấu lại lấy sử liệu làm đầu mối, làm đề tài khiến nó càng trở nên mập mờ, nửa hư nửa thực khó mà phân biệt. Theo anh Hoàng, đâu là ưu thế của thể loại văn chương viết về Tam Quốc, còn đâu là nhược điểm của một bộ chính sử có đề cập tới thời Tam Quốc như Hậu Hán thư, Tam Quốc chí? Dịch Trung Thiên đã khắc phục những nhược điểm trên ra sao ở Phẩm Tam Quốc?

Anh Hoàng trả lời:

Theo tôi nghĩ chắc hẳn mọi người cũng mường tượng ra đó là bao giờ tác phẩm văn học cũng dễ đạt được sự lan toả hơn là một tác phẩm chính sử.

Đầu tiên là điều kiện để tác phẩm văn học lan toả, Tam Quốc không chỉ có Tam Quốc diễn nghĩa mà còn có hý kịch, các câu truyện dân gian, chúng ta nên nhớ rằng Gia Cát Lượng được đẩy lên trở thành một hình tượng tương đối là cao từ khá là sớm có nghĩa là Gia Cát Lượng có nhiều fan từ thời nhà Minh, chứ không phải chờ đến thời kỳ Tam Quốc diễn nghĩa.

Văn học có một lợi thế nữa đó là kênh phát hành của văn học khá là mạnh, thực ra ngày xưa số người biết chữ không nhiều, nhưng số người thuyết thư khá là nhiều. Những người thuyết thư là người đọc sách đi đến nhiều nơi kể lại để lấy tiền, nhiều người sẽ tụ tập lại chỗ chỗ ngồi nghe kể chuyện sau đó họ sẽ góp một chút tiền trả công người kể chuyện. Cho đến bây giờ hình thức thuyết thư vẫn còn khá là phổ biến, có điều hình thức này đã được nâng cấp hơn bằng việc thuyết thư qua đài phát thanh. Trước kia, Hoàng đã sống tại Bắc Kinh và thường di chuyển bằng taxi các bác tài thường bật Tuỳ Đường diễn nghĩa, giọng thuyết thư rất là đặc trưng của Bắc Kinh, cũng rất lôi cuốn người nghe. Hình thức thuyết thư làm cho tác phẩm lan toả rất là rộng rãi, nhiều chủ đề ngắn mọi người biết qua hình thức này như Gia Cát mượn gió đông, chọc tức Chu Du…. mà không nhất thiết phải đọc tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa hay tiểu thuyết gốc. Điều này là một lợi thế của văn học, bởi vì người thuyết thư họ sẽ không lấy bộ chính sử để kể chuyện, họ sẽ lấy văn học, ký kịch dân gian … đã qua bàn tay nhào nặn của những văn sĩ. Điều đầu tiên, để có một tác phẩm văn học có sức lan toả rộng rãi như vậy thì bản thân tác phẩm văn học đó phải hay. Nếu tác phẩm không đủ sức lôi cuốn thì tác phẩm đó sẽ không tạo được sức ảnh hưởng lớn.

Chúng ta thấy tiểu thuyết chương hồi khá là nhiều nhưng không phải tác phẩm nào cũng nổi tiếng như là Tam Quốc. Giống như ở Việt Nam, hầu hết mọi người đều biết đến truyện Kiều bởi vì tác phẩm này được chuyển thể thành thơ, rất dễ đọc, rất dễ thuộc. Những bộ chính sử thường có rất ít kênh phát hành, còn một điều yếu thế nữa là chính sử cần tôn trọng hình tượng lịch sử, mặc dù ngày xưa có thể sử dĩ chứng kinh là lấy sử chứng minh cho kinh điển nhưng mà trước hết là phải kể sử xong đã, xong rồi mới đi bình luận xem nó có chứng minh được điều gì cho kinh điển nhưng bây giờ quan điểm này đã không còn được duy trì nữa. Nếu chỉ tập trung vào hình tượng lịch sử thôi thì rất khó xây dựng một hình tượng trở nên sinh động, sống động đến mức mọi người đều có thể nhớ. Bởi vì lịch sử cũng là những ghi chép lẻ tẻ, sau đó nhà làm sử gom lại. Những thời kỳ đặc biệt biến động như là Tam Quốc không có một sự ổn định đủ lâu dài cho triều đình xây dựng quốc sử quán, làm một thực lục ghi chép rất là chi tiết. Thực lục của một triều đình ghi chép rất là chi tiết từng biến động của lịch sử.

Nhưng thời Tam Quốc lại không được thực lục chi tiết như vậy do biến động của giai đoạn đó, cho nên hình tượng không thể nào sống động. Hình tượng trong văn học đã được gia giảm rất nhiều để có thể sống động giúp người nghe và người đọc có thể nhớ lâu, lưu truyền rộng rãi.

Ví dụ như Gia Cát Lượng, trong lịch sử không hề có Gia Cát cầu phong. Gia Cát Lượng bày lên một đàn thất tinh để cầu gió đông, trong lịch sử không hề có chuyện này xảy ra. Nếu như trong tiểu thuyết chỉ mô tả đúng sự thật là Gia Cát Lượng quan sát và dự đoán thời tiết thì điều này sẽ không thú vị bằng ông lập đàn cầu gió đông về. Mặc dù chúng ta điều biết những chuyện này khó có thể xảy ra nhưng mà yếu tố này lại rất hấp dẫn.

Dịch Trung Thiên đã cân bằng yếu tố văn học và lịch sử để cuốn sách tiếp cận với độc giả vẫn hấp dẫn bằng cách ông kể lại lịch sử với giọng điệu rất là vui vẻ, hài hước và nhẹ nhàng phù hợp với tất cả mọi người. Người đọc bình dân cũng có thể hiểu và người đọc sâu sẽ tìm được những gợi ý gợi mở rất là tốt để tiếp tục tìm về sử liệu gốc đi sâu vào những sự kiện này hơn. Dịch Trung Thiên đã làm một điều ý nghĩa tạo nên phong trào toàn dân đọc sử, đây là công lao rất là lớn đối với việc học tập của toàn dân. Điều này không phải ai cũng làm được, Dịch Trung Thiên là một số trong những giáo sư đã làm được việc này tôi nghĩ đây là một điểm được đánh giá rất là cao về tác phẩm này.

Những xung đột chính trị – quân sự trong thời Tam Quốc phải chăng đã đặt dấu chấm hết cho thời đại Hán như là kỷ nguyên phát triển rực rỡ của đế chế Trung Hoa về phương diện lãnh thổ, tổ chức chính trị, kỹ thuật, văn hóa, đưa Trung Hoa bước vào giai đoạn hỗn loạn của chiến tranh nội tộc và ngoại tộc, chia cắt, cát cứ kéo dài tới tận thời Tùy – Đường, đồng thời cũng tạo thành bước đệm quan trọng trong quá trình chuyển biến mô hình chính trị Trung Hoa: từ phong kiến phân quyền sang tập quyền, từ thể chế quý tộc sang sĩ tộc?

Anh Thuyên trả lời:

Đầu tiên, thời Tam Quốc đặt một dấu chấm hết cho chế độ huy hoàng để đến thời kỳ chia cắt và đặc biệt có yếu tố là ngoại tộc thì Trung Quốc không phải là chưa từng bị ngoại tộc xâm lấn, nhưng mà thời kỳ sau Tam Quốc là Tây Tấn rồi sau đó là Ngũ Hồ loạn Hoa khiến cho nhiều dân tộc thiểu số tràn vào họ xâm chiếm phía Bắc Trung Quốc và giết người rất nhiều có những vụ giết người lên tới hàng vạn. Họ thành lập luôn chính quyền của họ, sau đó khiến nhà Tấn dời đô về phía Nam và thành lập nhà Đông Tấn.

Những mầm mống cho các cuộc động loạn như thế đúng là đã từng xuất hiện ở thời Tam Quốc. Nói về chủ đề này cần có hình dung sơ bộ về địa lý bởi vì những dân tộc thiểu số nằm ở biên giới phía bắc Trung Quốc, nó dài 5.000km từ Đông sang Tây và có mấy đại khu chính. Phía Tây Bắc bây giờ là Thiểm Tây, xưa kia thì người dân tộc Đê và dân tộc Khương tập trung ở đó. Phía Đông Bắc bây giờ là các tỉnh Lưu Ninh, Hắc Long Giang thì là địa bàn của người Ô Hoàn. Còn phí chính Bắc bây giờ là tỉnh Sơn Tây thì ngày xưa là người Tiên Ti và người Hung Nô.

Những sắc dân thiểu số này họ đã hiện diện trong những xung đột quân sự thời Tam Quốc. Đặc biệt, chúng ta rất dễ nhớ là Mã Siêu khi mà đánh nhau với Tào Tháo là luôn luôn có lực lượng kỵ binh là người Khương xuất hiện, để hỗ trợ. Xa hơn là cuộc chiến Tào Tháo, Viên Thiệu sắp ngã ngũ Viên Thượng và Viên Hy là hai người con của Viên Thiệu lúc đó thất thế chạy về phía Bắc để nương tựa Ô Hoàn. Bởi vì trước đó, Viên Thiệu là đã thủ dụ ban chức tước cho người Hoàn và cũng đã tuyển dụng rất là nhiều kỵ binh cho người Ô Hoàn trong quân đội của mình. Trước đó, quân đội của Viên Thiệu có một vạn kỵ binh con số rất lớn.

Tào Tháo sau khi chinh phục được cả Ô Hoàn và tiêu diệt thế lực còn lại của Viên Giai, thu nhặt cái lực lượng kỵ binh này vào trong quân đội của mình. Thì chúng ta thấy được hiện diện rõ ràng của những sắc dân thiểu số của trong các xung đột thời Tam Quốc và nó trở thành mầm mống. Những sự hiện diện đó đem lại lợi ích cho sắc dân thiểu số. Thứ nhất, đó là kinh nghiệm tác chiến. Chúng ta điều biết là những người dân tộc thiểu số này họ sinh ra trên lưng ngựa, họ sống theo tập quán du mục. Họ không biết chữ, không biết tôn ti hiệu lệnh, họ chưa hề biết kỹ năng tác chiến, phối hợp đoàn đội. Tuy nhiên, khi họ tiếp xúc với các xung đột, chiến tranh Tam Quốc thì có những thiền vua như Kha Bĩ Lăng người Tiên Ti, ông đã học tập được kỹ năng này như dùng trống, dùng cờ ra hiệu lệnh, bắt nhịp phối hợp đoàn đội. Một yếu tố nữa nâng cao chất lượng quân sự là những người Hán chạy loạn khỏi xung đột Tam Quốc liền biên giới phía Bắc du nhập vào trong dưới trướng các thiền vua người dân tộc thiểu số này và họ truyền bá các kỹ thuật ví dụ như rèn binh khí, áo giáp thậm chí có cả dạy chữ. Rõ ràng là văn hoá của những người vùng dân tộc thiểu số này được cải thiện, các sở vật chất của vùng dân tộc thiểu số này được nâng cấp, tạo thành mầm mống như yếu tố tiền đề, nếu như có cơ hội Trung Nguyên xảy ra tình trang phân liệt rất có thể những người dân này sẽ bùng lên và thực tế là nó đã diễn ra như vậy. Với sự khởi đầu của Loạn Bát Vương, sau khi nhà Tây Tấn thống nhất được Trung Hoa thì chỉ sau đó mười mấy năm Loạn Bát Vương xuất hiện, rất nhiều vương gia họ Tư Mã đánh nhau đi giành quyền lực thì cục diện xung đột liên miên này tạo ra khoảng trống quyền lực. Lúc này, sắc dân thiểu số đang phục vụ trong quân đội của chính nhà Tấn, họ có cơ hội trỗi dậy với tiền đề là chất lượng quân sự, ý thức chiến thuật thậm chí là cả ý thức chính trị họ cũng được nâng cao.

Ví dụ kinh điển cho điều này là Lưu Uyên – ông vua thành lập ra nhà Hán Triệu. Lưu Uyên là người gốc Hung Nô phục vụ trong quân đội Tây Tấn. Ban đầu, ông ở nơi này thực chất với vai trò con tin bởi cha ông là Lưu Báo – thủ lĩnh của những bộ lạc người Lang Hung Nô ở Sơn Tây. Lưu Uyên đã chớp cơ hội Loạn Bát Vương diễn ra. Ông đã gom được rất nhiều quân lính và cuối cùng gom được thành một quốc gia luôn. Ý thức chính trị của Lưu Uyên rất cao. Đầu tiên, tôi rất ngạc nhiên tại sao người gốc Hung Nô tại sao lại là họ ”Lưu”. Ông ta lấy lập luận thời xưa hay hoà thân với những sắc dân thiểu số như việc gả công chúa, nghĩa là vua nhà Hán là ông ngoại của chúng tôi vậy nên chúng tôi lấy luôn họ của ông ngoại. Sau đó, ông còn truy tôn cho hậu chủ của nhà Thục Hán là Lưu Thiện, bởi ông cho rằng nhà Hán là nguồn gốc của mình và ông đang kế tục theo ông cha của mình, lâp ra nhà Hán Triệu. Đây có thể coi là một nước đi chính trị rất là cao minh và cũng nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ người dân.

Nếu quay ngược lại thời Tam Quốc đọc những hình bóng phảng phất thoáng qua của những sắc dân thiểu số này thì chúng ta không bao giờ hình dung là có một ngày một ông tù trưởng, một ông thiền vua như thế mà có ý thức chính trị cao minh như vậy và một một nước ngay trên địa bàn của người Trung Hoa. Rõ ràng một tiến trình như vậy chúng ta có thể thấy một mầm mống của sự chia cắt, xâm chiếm từ phía ngoại tộc.

Việc chuyển đổi từ phong kiến phân quyền sang tập quyền, từ thể chế quý tộc sang sĩ tộc nguyên nhân khởi nguồn là sự sụp đổ của nhà Đông Hán. Cục diện của nhà Đông Hán sẽ giúp chúng ta hiểu rõ nhất tại sao nhà Đông Hán sụp đổ và khiến cho cuộc chiến Tam Quốc nổ ra. Hai nguyên nhân quan trọng đến tới cục diện này là sự lũng đoạn về ruộng đất và sự lũng đoạn về quan trường.

Tại sao có hai sự lũng đoạn này?

Nếu bạn nghiên cứu sâu hơn về thời Đông Hán sẽ thấy rằng vương công quý tộc, thế lực vọng tộc chiếm đoạt ruộng đất rất là nhiều. Việc chiếm đoạt ruộng đất của nông dân, biến thành của riêng của giới quý tộc khiến quốc khố của đất nước ngày càng ít đi do họ không phải nộp thuế. Do đó, khi quốc gia gặp những cú sốc bên ngoài hay thiên tai, ngoại tộc xâm lấn thì quốc khố sẽ không đủ tiền mà tới những lúc đó thì những mầm bệnh sẽ phát tác nặng hơn.

Sự lũng đoạn thứ hai là về quan trường, chúng ta nên tìm hiểu một chút trước về cơ chế tuyển cử người tài thời Đông Hán. Khoa cử lúc đó thì chưa được tổ chức, phải đến thời Tuỳ mới có. Khi đó tỷ lệ dân số biết chữ rất thấp và những người có khả năng làm quan cũng không nhiều, cách tìm người làm quan lúc đó là tiến cử. Chúng ta đọc sách thường thấy rằng Táo Tháo được tiến cử làm hiếu liêm. Hiếu liêm phải là người có đạo đức, có tài năng ở một khu vực nào đó và được tiến cử lên. Hiếu liêm, hiếu đạo và mậu tài đó là những vai trò được chế độ khi đó chỉ yêu cầu tiến cử vào cung quan tạm thời giống như thực tập thời nay, trước khi bổ nhiệm về địa phương, nhỏ thì làm huyện lệnh sau vài năm thì có thể lên làm thái thú ở các quận. Đây là cơ chế nói chung tuyển dụng người tài ở Đông Hán nhưng có chế này có một vấn đề: ai là người có quyền quyết định tiến cử?

Thực tế cho thấy quyền gói gọn trong tay các thế gia đại tộc lâu đời mà Dịch Trung Thiên gọi chung là thế tộc. Tình trạng này chỉ được phá bỏ khi nhà Tuỳ có khoa cử thúc đẩy số lượng người biết chữ nhiều lên, cộng thêm kỹ thuật làm giấy phát triển, sách được in ra nhiều hơn, dễ đọc, dễ tiếp cận hơn khiến cơ hội được san sẻ nhiều hơn cho bình dân. Đây là một bước phát triển khác chuyển từ chế độ thế tộc sang sĩ tộc.

Vai trò của Tam Quốc trong tiến trình, thực sự tôi nghĩ cuối thời Tam Quốc là một bước lùi ở dòng chảy chuyển đổi này. Tại vì những nỗ lực chống lại sự thao túng quan trường, chẳng hạn như Tào Tháo có quan điểm “có tài là dùng” – chỉ cần có tài là được không cần quan tâm đến xuất thân của họ, Gia Cát Lượng và Tôn Quyền cũng vậy. Tuy nhiên, Tôn Quyền thoả hiệp với các thế lực ở Giang Đông khá là nhiều. Đi sâu vào vấn đề này sẽ có rất nhiều chuyện cần nói nhưng tôi sẽ dừng ở đây.

Cả ba nước đều có những nỗ lực như vậy nhưng cuối cùng đều thất bại. Chẳng hạn như nước Thục thất bại bởi vì họ đè ép thế lực Ích Châu quá nhiều, cho nên tới khi Đặng Ngãi, Binh Lâm, Thành Hạ thì các thế tộc Ích Châu này không còn động cơ để tiếp tục duy trì nhà Thục nữa. Họ muốn quay về với nhà Nguỵ, bởi vì lúc đó nhà Nguỵ đã áp dụng cửu phẩm trung chính chế của Trần Quỳnh. Tào Phi muốn lên ngôi cần phải có sự ủng hộ cảu các thế tộc này, do đó đã thoả hiệp với Trần Quỳnh là cửu phẩm trung chính chế. Cửu phẩm trung chính chế thực ra chỉ hợp thức hoá một việc diễn ra từ lâu thôi. Cửu phẩm trung chính chế có ba mức là thượng thượng, thượng trung, thượng hạ … thì có những viên quan phụ trách tiến cử người tài ở địa phương lên cho trung ương, nó rất giống chế độ tiến cử ở nhà Đông Hán cũng là quen biết quan hệ đó là quy trình rất bá giống như kim tự tháp duy trì những dòng dõi quyền lực. Với tôi, Tam Quốc là bước lùi của quá trình đó và nó chỉ được cả thiện ở nhà Tuỳ lúc mà có khoa cử xuất hiện.

Có nhiều nhân vật lịch sử, chi tiết lịch sử trong Tam Quốc đã được nâng lên thành dạng “biểu tượng thời đại” theo cách nói của Dịch Trung Thiên. Tuy nhiên, ở mỗi thời đại khác nhau, người ta lại có xu hướng sử dụng lịch sử vào những mục đích khác nhau. Do đó có khả năng sử liệu bị thay đổi để phục vụ những mục đích đó. Vậy làm sao để lọc ra được thông tin đáng tin cậy trong các sử liệu viết về Tam Quốc nói riêng, viết về thời đại khác nói chung?

Anh Hoàng trả lời:

Đây là một câu hỏi rất là lớn nó không chỉ liên quan đến Tam Quốc mà còn bao quát cả toàn bộ ngành sử học. Thực ra ngành sử học có một thao tác đầu tiên đó là biện nguỵ. Biện nguỵ thật ra là phân biệt đâu là nguỵ thư. Sửa lại sử một cách lộ liễu nhất đó là viết nguỵ thư, có nghĩa là viết hẳn một cuốn sách mới mà ký tên người cũ. Thật ra nước ta có khá là nhiều nguỵ thư. Ví dụ như là đại thành toán pháp của Lương Thế Vinh, đời sau viết xong ký tên Lương Thế Vinh vào đó.

Việc các bộ chính sử bị người ta sửa đổi cũng không nhiều. Chính sử dù sao cũng tương đối tôn trọng sự thật lịch sử đã được ghi chép từ sách cũ. Nếu sử dụng cho mục đích khác như sử dĩ chứng kinh, lấy sử để chúng minh cho kinh điển thực ra đây là một mục đích khá là chung cho một thời kỳ rất dài, chứ không chỉ để phục vụ cho chính tầng lớp, triều đại hiện tại.

Đến thời Tống Lý Học đẩy nho học lên một mức tiêu cực mới thì chủ yếu nó tập trung vào lời bàn của sử gia, cho nên ta thấy lời bàn của Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và lời bàn của Ngô Sĩ Liên đối nhau bởi vì thời kỳ đó hai quan điểm về nho giáo khác nhau, bởi một thời kỳ mà nho giáo vẫn chưa nặng nề quá và một thời kỳ mà tư tưởng nho giáo đã ổn định dẫn đến lời bàn khác nhau.

Tình trạng sửa hẳn đi thì vẫn có. Ngay cả thời kỳ Tam Quốc ta vẫn không biết đâu là đúng, đâu là sai. Ví dụ như Tào Tháo giết Lã Bá Sa. Tào Tháo cùng với Trần Cung chạy trốn rối đến nhà người quen cũ Lã Bá Sa, nghe thấy bên ngoài nói rằng “trói nó lại giết nó đi” tưởng họ muốn giết mình và sau đó cầm kiếm chém, nhưng rồi thấy một con lợn trói góc nhà. Ông ta mới ngỡ ra rằng hoá ra họ muốn giết lợn. Tào Tháo vẫn chưa yên lòng lôi Trần Cung chạy. Họ chạy được một đoạn thì thấy Lã Bá Sa đang trên đường mua rượu về, liền chợt nghĩ “hay giết luôn hắn” vì sợ rằng khi Lã Bá Sa về nhà thấy người trong nhà mình đã bị chém, báo quan lại hại thân ông. Khi đó, Tào Tháo đã nói ra một câu kinh điển là “Ta thà phụ người thiên hạ, chứ không để người thiên hạ phụ ta”. Câu chuyện này đã được sửa đổi nhiều đến đâu so với chính sử thì không thể dám chắc, nhưng câu nói trên đã có sửa đổi.

Đối chiếu với nguỵ thư thì nhà của Lã Bá Sa đúng là muốn giết Tào Tháo chứ không phải con lợn. Sự thật đúng sai chúng ta khó lòng biết rõ. Bởi vì, nguỵ thư không phải tiểu thuyết và không được phép bàn luận xấu Tào Nguỵ. Chúng ta chỉ có thể nghĩ rằng nguỵ thư chép không được xác đáng và có thể đã tẩy trắng vụ việc trên của Tào Tháo.

Những sự kiện như vậy cũng đã xảy ra ở thời nhà Đường như sự việc Huyền Vũ Môn, Lý Thế Dân giết Lý Nguyên Cát và Lý Kiến Thành và sử nhà Đường cũng sẽ dùng mọi cách tẩy trắng đi.

Việc đầu tiên là biện nguỵ, cuốn sách nào không phải là thời kỳ đó mà ký tên thời kỳ đó chắc chắn sẽ là giả. Thứ hai đối chiếu sử liệu với nhau để xem cái nào hợp lý nhất, chắc chắn chúng ta không thể biết rõ diện mạo của lịch sử là gì. Ta chỉ luôn tìm các phương pháp khoa học nhất có thể để tiếp cận một cách hết mức có thể với lịch sử mà thôi.

Nếu trong trường hợp các sử liệu mỗi loại một vẻ, không khớp ta đành tồn nghi. Ngoài ra, trong trường hợp chỉ có một sử liệu duy nhất và không có sử liệu nào khác nữa tạm thời ta sẽ căn cứ vào sử liệu duy nhất đấy.

Sử liệu còn có một cách đánh giá nữa là sử liệu càng gần thời kỳ đó thường thì độ khả thi càng cao.

Liên quan tới mối quan hệ giữa tác phẩm văn chương nghệ thuật với nhận thức lịch sử, ở Việt Nam có dẫn chứng nào phản ánh câu chuyện tác phẩm văn chương nghệ thuật tác động tới nhận thức lịch sử hay không? Ý tôi là nhận thức của không chỉ đại chúng mà thậm chí cả giới chuyên môn nghiên cứu lịch sử.

Anh Hoàng trả lời:

Vấn đề liên quan tới mối quan hệ giữa tác phẩm văn chương nghệ thuật và với nhận thức lịch sử ở Việt Nam là có xảy ra. Mặc dù ta không có tác phẩm lịch sử đồ sộ, nó ảnh hưởng sâu rộng đến mức đấy, nhưng có những điều vô tình nó ảnh hưởng đến nhận thức lịch sử của mình, có những sự kiện vốn không có nhưng rất nhiều người lại nghĩ rằng có.

Ví dụ như Quang Trung đem cành đào về cho công chứa Ngọc Hân, nó bắt nguồn từ một vở tuồng khiến nhiều người nghĩ rằng điều này là thật. Giống như Nguyễn Phi Khanh bị giặc bắt trên đường đi còn dặn dò “con phải trả thù cho cha”, tôi cũng đã tìm kiếm tài liệu và hỏi nhiều người rằng chuyện này bắt nguồn từ đâu, chính sử thì không ghi chép. Có lẽ chuyện này bắt nguồn từ ông Á Nam Trần Tuấn Khải và nếu chính sử ghi chép thể sẽ hoàn toàn ngược lại như trong số các nho sĩ người Việt có Nguyễn Phi Khanh hàng giặc Minh. Chúng ta có thể bàn một chút để làm rõ chuyện này đó là lúc đó có rất nhiều trí thức người Việt, nho sĩ người Việt cho rằng nhà Hồ là một nhà soán ngôi và không chính thống mặc dù nhà Hồ làm một việc rất oách đó là đổi hẳn tên nước là Đại Ngu cho rằng ta đây là hậu duệ của vua Thuấn, làm cải cách cả về mặt tư tưởng đối cả những tác phẩm kinh điển Nho giáo đến mức nhà Minh chuẩn bị cất quân đi đánh Đại Việt còn sang Triều Tiên ban một chiếu dụ trước “Tại sao ta lại đi đánh Đại Việt” trong đó có một ý là có mấy người nhà Hồ bảo Mạnh Tử rằng là một nhà Nho ăn cắp, nghĩa là không chỉ chống đối lại Trung Hoa mà còn thánh nhân như là Khổng Tử.

Mặc dù tại Việt Nam không có một tác phẩm nghệ thuật lớn như Tam Quốc diễn nghĩa, nhưng ảnh hưởng của văn học nghệ thuật sang cái nhìn nhận lịch sử đâu đó nó vẫn xảy ra.


Thưa hai vị diễn giả, hai anh có bình luận gì về một xu hướng viết sử theo phong cách Dịch Trung Thiên nếu nó được nhen nhóm ở Việt Nam, tồn tại song song bên cạnh lối viết sử kiểu khuôn mẫu “giáo trình” hiện tại ở Việt Nam?

Anh Thuyên trả lời:

Trong giới Tam Quốc đúng là có xu hướng đó, tức là mình bình luận về Tam Quốc diễn nghĩa, mình bình luận nhiều năm sẽ bị cạn chủ đề dẫn đến mọi người cũng bắt đầu chán xong mình thấy mọi người bắt đầu tiếp cận với sử liệu. Bộ Tam Quốc Chí của Trần Thọ được dịch sau đó đến Tư liệu thông giám cũng nói rất nhiều về thời Tam Quốc thì mọi người cũng bắt đầu với sử liệu nhiều hơn, bắt đầu có những nghi ngờ điều này bắt đầu quá trình thuyết âm mưu nở rộ.
Ví dụ như có những sử liệu về cuộc chiến tương phàn, sử liệu này có thuyết âm mưu là Lưu Bị thiết kế âm mưu hãm hại Quang Vũ, Triệu Văn có phải là phụ nữ hay không?

Đi qua những thời kỳ này rồi đến phân tích bình luận chính xác, khách quan. Tuy nhiên, nhận xét bình luận khách quan không thu hút được độc giả. Thành thật mà nói đây là thách thức của những người viết sử tôn trọng hình tượng lịch sử nói chung, nếu mình chỉ kể sử phục vụ đam mê cho niềm yêu thích của mình thì không có vấn đề gì còn nếu tiếp cận theo chiều hướng muốn có thêm nhiều người quan tâm thì đúng là thách thức.

Tôi cũng có những trải nghiệm thực đó là viết về Tam Quốc để đăng báo cũng phải thừa nhận rằng có những chủ đề mình nói đôi khi chỉ năm phút là xong nhưng mình viết ra phải đến sáu kỳ bởi vì khối lượng thông tin lớn, những kiến thức nền làm nền tảng cho những lập luận phải được cung cấp ra, khi nói về một chiến dịch chẳng hạn phải có bản đồ, mô tả chi tiết, tìm hiểu địa lý của thời kỳ đó. Tuy điều này là một thử thách, nhưng khi mình nghiên cứu về nó cũng rất là thú vị bởi lúc đó mình biết độc giả cần điều gì và mình đã mang được thông tin ý nghĩa, kiến thức nền để giải đáp được nghi vấn của họ. Không biết trong những chủ đề rộng hơn anh hoàng có chia sẻ gì không?

Anh Hoàng trả lời:

Đúng như anh Thuyên đã nói bao giờ thuyết âm mưu cũng hấp dẫn hơn, tuy nhiên chính sử vẫn rất hấp dẫn theo tinh chất riêng của nó. Ở Việt Nam, tôi cũng không tham gia hội nhóm gì mấy cả, thỉnh thoảng có bài gì đọc là tôi sẽ đọc thôi. Tôi cũng đọc và tiếp xúc với một số bài ở Việt Nam , ban đầu chỉ có một cách viết như vậy nhưng sau đó bao gồm làm clip, vẽ tranh, phục dựng trang phục… tuy nhiên tất cả đều chỉ là sơ bộ nếu nhìn sang Trung Quốc chắc hẳn chúng ta sẽ còn muốn làm thêm rất là nhiều thứ.

Tại Nhật Bản, họ thậm chí còn không phục dựng bởi đó chính là những nét sống ở ngay cuộc sống hằng ngày của họ, thậm chí công trình kiến trúc cổ còn duy trì rất là tốt.

Ở Việt Nam chúng ta đã bị biến đổi đi rất là nhiều và bị thu hẹp lại. Ngoài ra, Việt Nam có một xu hướng viết sử tiếp cận theo hướng bình dân đó là bị chao đảo giữa hai cực. Thứ nhất, đó là viết làm sao cho thực sự hấp dẫn. Thứ hai là làm sao viết cho thực sự chính xác và đảm bảo tính khoa học. Kết hợp được hai yếu tố này được hay không thực sự là một vấn đề rất lớn. Ta thấy có một số sách vở, bài viết mang tính hấp dẫn, ấn tượng với độc giả rất là cao nhưng mà tính chính xác và tính khoa học thì vẫn còn là một ẩn số.

Lượng tư liệu mà họ tiếp cận có nhiều hay không và quan trọng nhất là có cố gắng tìm kiếm và xử lý tư liệu gốc.

Những người có chuyên môn tiếp cận với sử liệu thì họ có lựa chọn cách viết theo kiểu bình dân và hấp dẫn hay không?

Họ có tìm cách nào để viết như thế hay không cũng là một câu hỏi lớn, bởi vì khi một lượng kiến thức đồ sộ khi họ viết ra họ không trích dẫn thì sẽ không an tâm, bởi khi viết sử liệu thì dĩ nhiên ta phải trích dẫn sử liệu nhưng trích quá nhiều sẽ biến tác phẩm của họ thành một bài nghiên cứu, rất khó để người đọc bình dân có thể đọc và yêu thích. Tại Việt Nam, xu hướng viết sử đảm bảo được hai yếu tố này đang nhen nhóm bắt đầu thu hút được người đọc.

Hiện tại có thể nói là bản ngã của lịch sử. Muốn nhìn thấu được từng mảnh ghép của lịch sử tạo nên thế giới của chúng ta đang sống hiện nay, phải tìm kiếm được hình tượng vốn có của nó, nhưng muốn lan toả được điều này phải nhờ vào ngòi bút của những thi nhân tài hoa bình phẩm, chế tác và khắc hoạ rõ nhất của hình tượng lịch sử.

=> Để xem lại chương trình Quý độc giả có thể truy cập vào link: https://www.facebook.com/quangvanvn/videos/4841571459287677

Chúc các bạn có những trải nghiệm quý giá khi lắng nghe chương trình của chúng tôi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *