fbpx

Trò chuyện cùng dịch giả Huy Hoàng về cuốn sách “Muôn vàn hương vị, đều là cuộc sống”

Đánh giá bài viết

Muôn vàn hương vị đều là cuộc sống là cuốn sách nói về những câu chuyện bình dị trong cuộc đời, mỗi trải nghiệm mang đến hương vị khác nhau. Đặc biệt, cuốn sách mang lại là những phút bình yên với văn phong, cùng lối kể chuyện rất tự nhiên của tác giả Phong Tử Khải. Sau đây, Quảng Văn mời các bạn cùng dõi theo cuộc trò chuyện với dịch giả Huy Hoàng để lắng nghe ý kiến của dịch giả về cuốn sách này nhé!

 

– Đây có phải là lần đầu tiên dịch giả dịch 1 tác phẩm của Phong Tử Khải không? Cảm nghĩ của dịch giả ra sao khi dịch một cuốn sách thời kỳ cận hiện đại và còn thuộc thể loại tản văn?

Đây là lần đầu tiên tôi dịch tác phẩm của Phong Tử Khải. Phong Tử Khải là một nhà văn lớn, nhưng ít được biết tới tại Việt Nam. Dịch một tập tản văn của tác giả lớn thời kì cận hiện đại, đương nhiên là một vinh dự, và cũng là một áp lực khá lớn đối với dịch giả. Tản văn Phong Tử Khải không phải là những tác phẩm dễ dịch.

– Anh có thể chia sẻ đôi chút về tác giả Phong Tử Khải, phong cách viết văn của ông và lí do anh yêu mến tác giả cũng như tác phẩm “Muôn vàn hương vị đều là cuộc sống”?

Phong Tử Khải sinh năm 1898, mất năm 1975, ông đã trải qua những biến cố lịch sử to lớn nhất tại Trung Quốc thế kỉ XX, từ chiến tranh quân phiệt, kháng Nhật, nội chiến cách mạng đến thời kì xây dựng đất nước sau năm 1949. Cuộc đời Phong Tử Khải có thể nói là may mắn khi ít bị cuốn vào những sự kiện to lớn đó, ông gần như là một văn nhân lặng lẽ giữa dòng chảy cuồn cuộn của lịch sử. Văn của ông luôn thể hiện sự quan sát và suy ngẫm rất tinh tế đối với mọi sự vật và những con người xung quanh mình, ông viết về con mèo, con ngỗng, viết về cây thủy tiên, viết những lần đi chơi hay đi sơ tán, hoặc thậm chí viết về cành cây, ngọn cỏ, món bánh dọc đường… tất cả đều tràn ngập hơi thở của cuộc sống. Nhưng không chỉ có thế. Cùng một sự vật, cùng một câu chuyện, ông thường nhìn bằng con mắt triết học, Phật học. Nhờ đó, vẫn là cuộc sống ấy, nhưng dường như ông đưa người đọc tới một chân trời khác, một chân trời của triết lí nhân sinh sâu sắc hơn mà không cần phải lên gân lên giọng. Đó mới chính là điều tôi thích ở tập tản văn này.

– Lý do anh “bén duyên” và lựa chọn dịch cuốn sách này là gì? Anh có những dấu ấn/kỷ niệm cá nhân gì trong quá trình biên dịch?

Thực ra là nhà sách lựa chọn tác phẩm và ngỏ ý muốn tôi dịch. Sự “bén duyên” đơn giản như vậy thôi. Ngay khi đọc qua nguyên tác, tôi đã thích thú và muốn thử sức, cũng bởi những lí do tôi đã kể trên.

Trong một bài tản văn, tác giả dẫn bài từ của tác giả Khương Quỳ đời Tống, trong đó có câu “đãn ám ức giang nam giang bắc”, hiểu xuôi thì là nói đến tích Chiêu Quân cống Hồ, Chiêu Quân ở đất Hung Nô vẫn nhớ về quê cũ. “Ám ức” dịch khá đơn giản là “thầm nhớ” hoặc “trộm nhớ”, tôi vốn đã dịch là “trộm nhớ” cho hợp bằng trắc, nhưng cảm thấy không ưng ý lắm, nên có tham khảo ý kiến một số người bạn. Trong đó có người đã dịch là “khắc khoải”. Tôi thấy “khắc khoải” là cách dịch hơi thoát ý, nhưng lại rất hợp với không khí của cả bài, nên tôi quyết định dùng từ đó. Tôi nghĩ đó là một trải nghiệm khá thú vị khi dịch sách.

– Vậy anh có những thuận lợi và khó khăn như thế nào trong quá trình dịch cuốn sách và anh vượt qua những khó khăn ấy như thế nào?

Tôi xin nói về khó khăn trước. Có hai khó khăn lớn khi dịch. Thứ nhất là những khái niệm trong cuộc sống thường ngày, nhưng ở những thập niên đầu của thế kỉ XX, có những thứ đã xa lạ với thời nay, hơn nữa tôi còn phải tìm hiểu cả về những từ địa phương nới tác giả sống để dịch cho chính xác. Khó khăn thứ hai là về kiến thức. Phong Tử Khải không chỉ là nhà văn, ông còn là họa sĩ, nhà giáo dục âm nhạc, người tu thiền, chịu ảnh hưởng sâu sắc của pháp sư Hoằng Nhất (người mà ông nhiều lần nhắc tới trong tản văn của mình), vì thế trải nghiệm của ông về cuộc sống là rất đa chiều. Tôi cũng đã mất khá nhiều thời gian để dịch những bài từ cổ mà tác giả nhắc tới. Đôi khi có những đoạn đáng lẽ cần phải đối chiếu nhưng không có điều kiện để đối chiếu lại. Ví dụ như tác giả trích dẫn một đoạn văn của Natsume Soseki, tôi dịch nguyên từ tiếng Trung sang, mà không có điều kiện đối chiếu với bản gốc tiếng Nhật, vì không biết tiếng Nhật.

Thuận lợi thì ở chỗ tôi có thể hỏi được khá nhiều người. Ví dụ về thơ từ cổ, tôi có thể hỏi những dịch giả hoặc tác giả chuyên sâu hơn để nhờ họ đóng góp ý kiến cho bản dịch. Một số địa danh tại Trùng Khánh, tôi may mắn hỏi được một người bạn quê gốc ở Trùng Khánh. Nói chung tôi nghĩ một bản dịch cần có sự đóng góp của khá nhiều người chứ không chỉ là công sức của dịch giả chính.

– Theo dịch giả, đối tượng độc giả nào nên đọc cuốn sách “Muôn vàn hương vị đều là cuộc sống”?

Tôi cho rằng cuốn này thích hợp với mọi đối tượng độc giả. Có điều, mỗi đối tượng độc giả có lẽ sẽ đọc với những tâm thế khác nhau, trải nghiệm khác nhau. Người trẻ tuổi có thể đọc để phát hiện ra những trải nghiệm mới mẻ trong chính cuộc sống quen thuộc, còn người lớn tuổi đã có nhiều kinh nghiệm sống thì có thể đọc để đồng cảm với những suy nghĩ của Phong Tử Khải.

Anh có thể đánh giá về vị thế của cuốn sách trong thị trường hiện nay? Liệu cuốn sách có điểm mạnh/ý nghĩa đặc biệt gì để thu hút bạn đọc? Mức độ kì vọng của anh đối với cuốn sách này có lớn không?

Tôi là người không giỏi dự đoán về thị trường sách, tôi chỉ thường giao lưu với một nhóm đọc sách nho nhỏ, nên hơi khó để tôi đánh giá vị thế của cuốn sách này trên thị trường. Tôi nghĩ về điểm mạnh hay về ý nghĩa của sách, thì tôi đã nói bên trên rồi. Còn lướt qua thị trường sách, thì cảm quan là không có nhiều sách tản văn để đọc, chưa kể mỗi người lại chỉ hợp với một số tác giả tản văn nhất định mà thôi. Vì thế tôi rất hi vọng cuốn sách sẽ đóng góp thêm vào mảng sách nho nhỏ đó trên thị trường và trên giá sách các gia đình.

– Điều gì trong cuốn sách khiến anh cảm thấy tự tin/hài lòng nhất?

Rất khó để nói tôi đã tự tin hay hài lòng sau khi dịch xong. Mỗi lần đọc lại, tôi lại cảm thấy chỗ này chỗ kia không được ưng ý lắm, thậm chí ngay cả khi sách đã in ra, tôi nghĩ cũng khó mà tránh khỏi sai sót. Có thể nói tôi chưa bao giờ hài lòng với bản dịch của chính mình cả. Có chăng thì tôi tạm hài lòng với việc mình đã tham gia đóng góp để độc giả Việt Nam được biết tới Phong Tử Khải. Văn học Trung Quốc thời kì cận hiện đại có lẽ mới chỉ có Lỗ Tấn là nổi tiếng ở Việt Nam hơn cả, tôi hi vọng độc giả sẽ thích những tác giả đặc sắc như Phong Tử Khải.

– Khi đọc và dịch cuốn sách, anh có rút ra được cho mình bài học hay chiêm nghiệm gì về cuộc sống không? Anh thích câu chuyện/triết lí nào trong tác phẩm nhất?

Có rất nhiều những suy nghĩ về cuộc sống của tác giả khiến tôi thấy thú vị, thậm chí là ngạc nhiên, mặc dù không phải triết lí nào của tác giả tôi cũng có thể cảm nhận sâu sắc được ngay. Có lẽ tôi chưa đủ tuổi, và trải nghiệm cuộc sống cũng khác với tác giả. Tôi đặc biệt ấn tượng với một bài tản văn Phong Tử Khải viết sau khi đi phỏng vấn nghệ sĩ kịch Mai Lan Phương (là nam diễn viên, không phải nữ diễn viên). Mai Lan Phương là một người đẹp, một nghệ sĩ rất tài năng, tác giả ví như một tạo tác tuyệt vời của tạo hóa, đẹp cả về hình thể lẫn tài năng; đến mức trên đường về, Phong Tử Khải đã chợt cảm thán, hóa ra những tạo tác tuyệt vời đó, chỉ sau vài chục năm sẽ biến mất khỏi thế gian, dù đẹp đẽ đến đâu, cuộc đời cũng thật quá ngắn ngủi trước vũ trụ vĩnh hằng này. Không lâu sau khi dịch xong, tôi nghe tin tài tử Hollywood Chadwick Boseman qua đời vì bệnh ung thư, tôi nghĩ ngay đến bài tản văn đó, và cảm thấy phần nào hiểu được suy nghĩ của Phong Tử Khải khi ấy.

– Vậy liệu anh Hoàng đã biết hết được các “hương vị của cuộc sống” chưa? Anh có thể chia sẻ anh thích “hương vị” nào nhất và lí do tại sao không?

Chắc tôi chưa nếm được nhiều “hương vị” như Phong Tử Khải đâu. Nhưng tôi nghĩ biết nhiều “hương vị cuộc sống” chưa quan trọng lắm, quan trọng là mỗi người có góc nhìn thế nào, cảm nhận thế nào và có giác ngộ được điều gì trong những hương vị đó không.

Rất khó để nói tôi thích hương vị nào nhất. Có lẽ hương vị cuộc sống cũng giống như hương vị các món ăn, ăn một hương vị mãi cũng không được. Còn nếu theo cách phân chia của tập tản văn này, thì hiện tại có lẽ tôi thích hương vị cô đơn và hương vị nghệ thuật hơn cả. Cái “cô đơn” mà Phong Tử Khải nói, không hẳn là tách biệt khỏi xã hội, mà chỉ là bất chợt một lúc nào đấy, ta được hòa mình vào một khoảnh khắc lặng lẽ của thiên nhiên. Thậm chí ông còn dẫn một câu thơ là “hạnh hữu ngã lai sơn bất cô”, tức là may nhờ có tôi đến nên núi mới không lẻ loi. Vậy tức là cái cô độc của con người lại điểm tô cho cảnh vật thiên nhiên. Trước khi có dịch bệnh, tôi thỉnh thoảng vẫn đi du lịch và thích chụp lại những khoảnh khắc tĩnh lặng của núi, của nước hay của cây cối. Còn hương vị nghệ thuật thì tôi mới thấy mình thích theo cách nghiệp dư thôi, những người làm nghệ thuật nghiêm túc mới có đầy đủ cảm nhận về hương vị của nó được. Nhưng có một chút hương vị nghệ thuật để điểm xuyết cho cuộc sống cũng là một thú vui nho nhỏ.

– Với tư cách là dịch giả cuốn sách, anh có muốn gửi lời nhắn nhủ tới độc giả gì không?

Đây là một cuốn sách nhẹ nhàng, có thể đọc bất cứ khi nào và ở đâu, đọc trong quán cà phê, đọc ở nhà, trước khi đi ngủ… và cũng không cần suy nghĩ quá nhiều khi đọc. Tôi thấy khi đọc xong, mỗi người sẽ tự liên hệ đến những trải nghiệm của bản thân một cách rất tự nhiên. Còn về bản dịch, như tôi đã nói, có lẽ không tránh khỏi sai sót, rất mong các bạn độc giả đóng góp ý kiến để bản dịch được ngày một hoàn thiện hơn. Xin cám ơn quý độc giả.

(V.L thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *