Vào ngày 25/03/2022, trong sự kiện ra mắt sách online “Đại học nghệ thuật Tokyo”, các bạn độc giả của Quảng Văn đã có cơ hội trò chuyện với hai vị diễn giả là tác giả Atsuto Ninomiya và dịch giả Nguyễn Quốc Vương. Trong quá trình sự kiện diễn ra hai vị diễn giả đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị về trường Đại học Nghệ thuật Tokyo, góc nhìn của hai vị diễn giả về ngành nghệ thuật và con đường theo đuổi nghệ thuật của các bạn trẻ. Quảng Văn xin được trích đăng lại những câu trả lời của hai vị diễn giả dưới đây:
Thưa hai vị diễn giả, như tôi được biết thì Đại học Nghệ thuật Tokyo là vùng đất thiêng của nghệ thuật và những nghệ sĩ tương lai của đất nước Mặt trời mọc. Riêng Ngài Atsuto Ninomiya hẳn đã có một cuộc phiêu lưu kì thú vào vùng đất thiêng ấy. Vậy, điều gì khiến hai vị ấn tượng nhất ở Đại học Nghệ thuật Tokyo?
Khi bước chân vào trường Đại học nghệ thuật Tokyo, tôi cảm nhận được rằng ngôi trường đúng như cái tên của nó mang đậm chất nghệ thuật. Điều ấn tượng nhất đối với tôi là ngôi trường được chia làm hai và hai hình tượng khá là đối lập với nhau. Ở trong trường đại học Nghệ thuật Tokyo có hai trường, đó là trường âm nhạc và trường mỹ thuật. Đối với trường Mỹ Thuật, nó để lại trong tôi một điều không thể quên là những sinh viên hầu hết bận lên mình những trang phục lấm lem màu vẽ. Nhưng mà ngược lại những hình ảnh chưa chỉn chu đó thì trường nhạc lại mang màu sắc hoàn toàn đối lập. Sinh viên trường nhạc họ toát lên mình phong cách rất là trang nhã, thanh lịch. Khi tôi nhìn thấy những hình ảnh này, tôi chợt nhận ra rằng đây chính là cái nôi của nghệ thuật của Nhật Bản và thế giới.
Còn anh Nguyễn Quốc Vương, trong hơn 8 năm sinh sống ở Nhật Bản, anh đã bao giờ thăm thú Đại học Nghệ thuật Tokyo chưa ạ? Nếu chưa thì trong quá trình dịch tựa sách này, điều gì khiến anh ấn tượng nhất ở ngôi trường này?
Rất là đáng tiếc, tôi chưa có cơ hội đến thăm trường Đại học Nghệ thuật Tokyo. Lý do là vì tôi không có người quen hay một người bạn nào học tại ngôi trường này. Mặc dù là tôi đã bước chân đến nhiều ngôi trường tại Nhật Bản nhưng mà tôi chưa từng đến Đại học Nghệ thuật Tokyo, vậy nên có một điều không may mắn khi dịch cuốn này là tôi không có trải nghiệm thực tế nhưng thay vào đó tôi có cảm giác mới mẻ. Khi mà đọc tác phẩm của anh Ninomiya có đề cập đến chi tiết là giáo viên của hai ngôi trường rất là khác nhau về hình dáng và bầu không khí bao quanh họ. Tôi chợt nhận ra rằng có lẽ ở Việt Nam ở một mức độ nào đó cũng có sự tương tự như vậy. Nhớ lại thời sinh viên, tôi cũng có một vài người bạn học mỹ thuật và kiến trúc, họ không trau chuốt vẻ bề ngoài và có một chút luộm thuộm vì tính chất nghề nghiệp, nhưng những người bạn học nhạc họ thể hiện sự tinh tế và mỹ miều ngay trên diện mạo của mình. Chính bản thân tôi phải công nhận một điều khi dịch tác phẩm này là năng lực của nhà văn thật tuyệt vời khi quan sát và miêu tả rõ nét những điều mà mình không nhận ra. Dĩ nhiên, ở mức độ như Đại học Nghệ thuật Tokyo thì điều này rất là rõ nét, cho nên trong tương lai nếu có cơ hội tôi chắc chắn sẽ đến thăm ngôi trường này.
Trong tựa sách này có nhắc đến, muốn thi được vào Đại học Nghệ thuật Tokyo thì các bạn trẻ sẽ phải vượt qua một kì thi gắt gao với tỉ lệ chọi cao. Nếu nhất định không vượt qua được kì thi ấy, hai anh có nghĩ rằng có con đường nào khác dành cho các bạn đam mê nghệ thuật không? Liệu con đường ấy dễ dàng hơn, hay nhiều thử thách hơn việc học chính quy ở một trường đại học danh giá?
Tác giả Ninomiya: Về con đường dẫn đến thành công thì cũng có rất là nhiều chứ không phải có một con đường duy nhất. Giống như là học về nghệ thuật, Đại học Nghệ thuật Tokyo được coi là ngôi trường đứng đầu trong việc đào tạo nghệ thuật, tuy nhiên không phải cá nhân nào học tập tại ngôi trường cũng trở thành nghệ sĩ nổi tiếng hay kiếm được nhiều tiền và không phải những bạn sinh viên nào không vào được ngôi trường này cũng sẽ thất bại khi theo đuổi con đường nghệ thuật mà quan trọng là những giá trị mà bản thân mình có, tìm được một môi trường phù hợp. Đại học Nghệ thuật Tokyo là một môi trường phù hợp để học về nghệ thuật và phát triển toàn diện những khả năng mà mình có. Vì vậy, chúng ta không nên lầm tưởng rằng những sinh viên ắt sẽ thành công nhưng mà ngược lại những bạn muốn thành công thì nên thi vào những trường giống như vậy để có môi trường rèn luyện.
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Những ngôi trường liên quan đến nghệ thuật sẽ là môi trường tốt đối với những sinh viên muốn trở thành nghệ sĩ vì nơi đây sinh viên có thể gặp được những người nổi tiếng có sức ảnh hưởng, người thầy tốt và nhiều yếu tố khác liên quan đến nghệ thuật như âm nhạc, văn chương… Giống như tôi và tác giả, ở đây có một sự bí ẩn đó là đôi khi nghệ thuật hay văn chương chọn người. Nhiều nhà nghệ thuật họ không học trường nghệ thuật hay không làm việc liên quan trực tiếp đến nghệ thuật hoặc viết văn, nhưng có thể họ có mối nhân duyên, sự nhạy cảm bởi cuộc đời dẫn lối đưa họ đến con đường trở thành nghệ sĩ, nhà văn. Tôi muốn chia sẻ cùng với tác giả rằng đây là một ngôi trường tốt nhưng không có nghĩa rằng khi chúng ta thi được vào ngôi trường này có thể nhiễm nhiên trở thành nghệ sĩ.
Ví dụ như nhiều người tại Việt Nam tốt nghiệp trường nhạc nhưng họ đã từ bỏ và không theo đuổi sự nghiệp ca hát. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tại Việt Nam, họ không hề học trường nhạc, họ tự học hoặc học như một thú vui. Do đó, tôi nghĩ rằng con đường đến với nghệ thuật có nhiều cách khác nhau, tuy nhiên được vào những ngôi trường mơ ước cũng là một cơ hội tốt để có thể phát huy được những tài năng thiên bẩm nghệ thuật.
Chúng ta đã biết không có con đường nào trải toàn hoa hồng, cũng không có con đường nào chỉ toàn chông gai. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Thưa tác giả Ninomiya, vượt qua được tỉ lệ chọi cao như vậy, liệu sinh viên trường Đại học Nghệ thuật Tokyo có phải toàn là thiên tài không? Họ phải bắt đầu định hướng con đường nghệ thuật cho bản thân từ bao giờ?
Tác giả Ninomiya: Chúng ta có thể lấy việc học piano để mô tả rõ việc này, sinh viên ngành piano của đại học Nghệ thuật Tokyo đã bắt đầu học từ khi chỉ mới hai tuổi. Đối với những bạn học piano lúc 5 tuổi họ đã coi thời điểm này là đã trễ học rất là khó khăn để phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều người nhận ra tình yêu và tài năng thiên bẩm của họ đối với nghệ thuật khi rất muộn như là 50 hoặc 60 tuổi họ mới nhập học tại Đại học Nghệ thuật Tokyo. Vậy thì, độ tuổi không quá quan trọng hay khắt khe đối với một người yêu nghệ thuật và người sở hữu tài năng thiên bẩm. Bản thân mỗi cá nhân ở đây, họ cảm thấy tự tin hoặc sở hữu một điều gì đó đặc biệt về nghệ thuật, đây chính là thiên tài trong mỗi cá nhân họ tự cảm nhận.
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Theo tôi, môi trường mà đứa trẻ được đắm mình trong nghệ thuật như là gia đình có truyền thống làm nghệ thuật hoặc được tiếp xúc với âm nhạc và mỹ thuật từ nhỏ, điều này cũng có ảnh hưởng khá lớn, đặc biệt là về nghệ thuật. Tuy nhiên, có những người ở một thời điểm nào đó của cuộc đời trải nghiệm rất là nhiều công việc khác nhau nhưng phải rất lâu sau người ta mới nhận ra rằng nghệ thuật mới là lý tưởng của cuộc đời mà họ muốn theo đuổi. Cơ hội của cuộc sống thì được chia đều cho tất cả, nhưng đối với một ngôi trường đỉnh cao về nghệ thuật như đại học Nghệ thuật Tokyo và việc bắt đầu từ sớm là một yếu tố nền tảng rất chuyện nghiệp đó cũng được coi là sự quyết định trọng yếu.
Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ GenZ quan tâm đến ngành nghề này. Theo 2 vị diễn giả thì đức tính nào là cần thiết nhất để trở thành một nghệ sĩ? Và tại sao lại cần đức tính đó?
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Nghề nghiệp nào cũng có đức tính cần thiết và có điểm chung giữa các nghề. Theo quan sát của tôi ngày trước và sau khi đọc cuốn sách của tác giả có sự khác biệt rất lớn. Bởi vì, tôi là một người không làm nghệ thuật nên không am hiểu về lĩnh vực này, trước kia tôi cảm nhận những nghệ thuật gia họ làm việc rất ngẫu hứng, có thể nói họ làm việc như chơi vậy. Nhưng đọc cuốn sách này tôi thấy giật mình là một người nghệ sĩ thật sự trên một vũ đài đỉnh cao, năng lực phát huy tối đa và được công chúng công nhận là thiên tài thì sự khổ luyện, thậm chí là phải đổ máu như tác giả miêu tả “cơ thể phải biến dạng để phù hợp với nhạc cụ” thì điều này rất là cần thiết để trở thành một nghệ sĩ thành công nếu không bạn chỉ có thể là một người nghệ sĩ theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Theo tôi, ngoài tính năng khiếu nghệ thuật thì sự khổ luyện, tức là đức tính cần cù, kiên trì vượt qua chính mình thì thực sự quan trọng.
Tác giả Ninomiya: Đối với một người làm nghệ thuật thì tình yêu dành cho nghề là điều quan trọng nhất để song hành, cũng như là đồng hành với nghề nghiệp mà mình đã chọn. Những người làm nghệ thuật họ sẽ giác ngộ đây chính là lẽ sống của mình, phải yêu nghệ thuật, bất cứ thời gian nào cũng đề nghĩ đến nó. Trong chính người làm nghệ thuật, họ luôn phải nhen nhóm tình yêu này để duy trì tính sáng tạo để tạo ra những kiệt tác. Tuy nhiên, tình yêu này đôi khi có thể bị vơi đi theo thời gian nhưng nó sẽ bùng lên bởi sự kích thích cạnh tranh từ phía bạn bè, điều này sẽ song hành làm cho tình yêu đối với nghệ thuật được duy trì và quan trọng là khi chúng ta sáng tác một tác phẩm nghệ thuật những kinh nghiệm mà chúng ta tích luỹ được hàng ngày sẽ lớn dần lên, tình yêu dành cho nghệ thuật sẽ được sống mãi trong tâm hồn của những nghệ thuật gia.
Thưa ngài Ninomiya, là một người thân của một nghệ sĩ sáng tạo, anh thấy cuộc sống của bản thân có gì khác biệt không?
Là một người chồng của một nghệ sĩ sáng tạo về điêu khắc thì tôi cảm thấy cuộc sống đôi khi bị khủng khoảng về tinh thần. Ví dụ, thi thoảng nhà lại bị mất điện hoặc là bị mất nước, có những hiện tượng rất là lạ. Bởi vì, tôi chưa kết hôn với những người bình thường bao giờ nên tôi không biết điều này có sự khác biệt gì. Theo như cảm nhận của bản thân tôi, khi được kết hôn với vợ của mình là một nghệ nhân điêu khắc tôi cảm nhận được sự khéo léo từ đôi bàn tay của cô ấy rất rõ rệt như cô ấy có thể tự tay làm bàn ghế trong gia đình. Đây là một cuộc sống rất thú vị của một người chồng khi vợ mình là một nghệ sĩ sáng tạo.
Bên trong không gian ngôi nhà của chúng tôi có một tác phẩm rất là đáng yêu là là chiếc ghế gỗ hình con rùa do chính vợ tôi điêu khắc. Khi cô ấy làm nó, nhà của chúng tôi có rất nhiều mùn gỗ bay khắp nơi. Tác phẩm đã được hoàn thành nhưng cô ấy vẫn chưa hài lòng, còn thiết kế thêm một đệm vải trên lưng chú rùa đó để tăng thêm phần đáng yêu nữa.
Ở môi trường Việt Nam, từ “nghệ sĩ” đôi khi gắn với nhiều thị phi. Vậy anh có sẵn sàng để người thân, như con cái của mình chẳng hạn, theo đuổi giấc mơ trở thành nghệ sĩ không?
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Chúng ta có thể thấy không phải nghệ sĩ nào cũng như vậy. Nghệ sĩ đôi khi cũng có những scandal hoặc là những câu chuyện bên lề và báo chí thường đăng tải rất nhiều về chuyện đời tư của họ. Những người nghệ sĩ theo đuổi giấc mơ của mình trong nghệ thuật, theo đuổi cái đẹp, sự hoàn mỹ muốn cống hiến cho nghệ thuật và tạo ra một kiệt tác nổi bật trong sự nghiệp thì họ phải đầu tư tâm sức và thời gian rất là lớn. Do vậy, nhà tôi có ba người con nếu thích theo đuổi nghệ thuật hay một công việc liên quan đến sự sáng tạo thì tôi sẽ ủng hộ. Bởi vì con người chúng ta sẽ làm tốt nhất đối với những gì mà mình yêu. Yêu nghề rất là quan trọng và chúng ta nên trân trọng bởi cuộc đời là hữu hạn.
Tác giả Ninomiya: Bản thân mỗi người là một cá thể độc lập, nếu con tôi có chí hướng muốn theo ngành nghệ thuật tôi chắc chắn sẽ ủng hộ. Tôi sẽ hỏi con mình ba lần rằng “ Con có muốn theo học trường này không?” nếu con tôi tôi vẫn nhất quán là có thì tôi sẽ hoàn toàn đồng ý.
Mỗi người chỉ được sống một lần, nếu tìm thấy đúng đam mê và được sống hết mình với nó. Tôi sẽ hoàn toàn nguyện ý!
=> Để xem lại chương trình Quý độc giả có thể truy cập vào link: https://fb.watch/c2hKAnFsV6/
Chúc các bạn có những trải nghiệm quý giá khi lắng nghe chương trình của chúng tôi.